Việc vắt và trữ sữa mẹ luôn khiến các bà mẹ lần đầu có con cảm thấy bối rối. Dưới đây là những típ nhỏ giúp mẹ vắt, trữ đông, cũng như rã đông sữa mẹ đúng cách và dễ dàng hơn.
Thường sau khi còn được 5, 6 tháng và đã cứng cáp hơn, các mẹ sẽ có ý định đi làm trở lại, nếu là một người cho con bú trực tiếp hẳn nhiều mẹ sẽ nghĩ đến việc vắt sữa và trữ đông cho con thời gian sắp tới. Điều quan trọng nhất trước khi bắt đầu là mẹ bỉm cần biết cách để vắt và dự trữ sữa mẹ an toàn và đúng cách.
Nên sử dụng đồ gì để dự trữ sữa mẹ?
Trước khi bắt đầu vắt sữa mẹ (bằng tay hoặc bằng máy hút sữa), mẹ hãy rửa sạch tay bằng xà phòng, nên rửa tay kỹ với nước để tránh mùi xà phòng dây vào sữa hay ngực mẹ.
Sữa mẹ nên được trữ trong túi trữ sữa chuyên dụng hoặc hộp nhựa đựng thức ăn, quan trọng nhất là đồ mẹ dùng để dự trữ sữa mẹ không nên được làm từ BPA (bisphenol A) để tránh ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Không nên trữ sữa mẹ trong các loại chai nhựa dùng một lần hoặc túi nilon sử dụng hằng ngày.
Vắt và trữ đông sữa mẹ như thế nào là tốt nhất?
Dùng loại bút không lem, không trôi để đánh dấu ngày vắt sữa lên đồ dùng trữ sữa. Nếu mẹ có ý định cho bé dùng sữa mẹ khi đi nhà trẻ/trường mầm non thì hãy ghi chú thêm cả tên con lên đồ trữ sữa để tránh nhầm lẫn với bé khác trong lớp nhé.
Sữa mẹ vắt ra nên để vào sâu phía trong cùng của tủ đông, nơi có nhiệt độ thấp nhất trong tủ.
Trong trường hợp di chuyển thời gian dài bên ngoài và không có tủ lạnh, mẹ nên để sữa của bé vào túi giữ nhiệt có thêm vài viên đá lạnh để đảm bảo nhiệt độ cho sữa trong 6-8h đồng hồ tiếp theo.
Với mỗi túi hoặc lọ trữ sữa, mẹ nên vắt đủ lượng sữa cho mỗi lần bé uống, tránh tình trạng bé ăn dở thì hết sữa hoặc bị dư sữa phải bỏ đi. Sữa mẹ thường nở ra khi cấp đông, vì vậy khi vắt sữa, mẹ không nên vắt đầy sữa đến miệng túi.
Có nên thêm sữa mẹ mới vắt vào sữa đã được trữ đông từ trước?
Mẹ vẫn có thể thêm sữa vừa vắt chung vào với sữa đã trữ đông, miễn là giữ vệ sinh sạch sẽ. Lưu ý trước khi thêm sữa mới vào, mẹ nên để sữa mới này trong ngăn lạnh hoặc để chung với một ít đá khoảng 30 phút trước khi cho chung vào với sữa cũ.
Không nên cho sữa mẹ mới vắt đang còn ấm vào chung với sữa đã trữ đông.
Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?
Giữ sữa mẹ vắt ra trong bao lâu là an toàn cho bé sử dụng phụ thuộc vào cách trữ sữa mà mẹ đang thực hiện:
- Trữ sữa mẹ trong nhiệt độ phòng: Sữa vừa vắt ra có thể giữ được trong nhiệt độ phòng từ 4-6 tiếng sau khi vắt. Tốt nhất là nên cho bé dùng trong vòng 4 giờ sau khi vắt để giữ nguyên chất lượng của sữa mẹ.
- Trữ sữa mẹ trong ngăn mát: Sữa mẹ vắt ra và để ngăn lạnh có thể giữ trong vòng 1 ngày. Trước khi cho bé uống, nên để ra ngoài khoảng 10-15 phút trước khi hâm nóng lại cho bé ăn.
- Trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Sữa mẹ có thể trữ trong ngăn đá tủ lạnh tới 4 ngày với điều kiện tủ sạch. Tuy nhiên nên sử dụng tốt nhất là trong vòng 3 ngày kể từ khi vắt.
- Cấp đông sâu sữa mẹ: Sữa mẹ cấp đông có thể giữ lên tới 12 tháng, nếu mẹ nhiều sữa và có ý muốn cho con ăn sữa mẹ lâu dài thì nên cấp đông sữa trước khi mẹ bắt đầu đi làm.
Lưu ý: Sữa mẹ được lưu trữ càng lâu thì lượng vitamin C càng giảm, vì vậy nên cho em bé dùng càng sớm càng tốt để sữa không bị giảm chất lượng mẹ nhé.
Rã đông sữa mẹ đúng cách
Nên rã đông theo thứ tự thời gian, sữa mẹ được trữ trước nên rã đông và cho bé dùng trước. Cho sữa từ ngăn đông vào ngăn lạnh vào 1 đêm trước khi cho bé dùng. Nên làm ấm sữa bằng cách cho bình sữa vào nước nóng/ấm hoặc bằng máy hâm sữa.
Đặc biệt không nên cho sữa đang còn đông đá vào lò vi sóng vì sữa sẽ ấm không đều, nhiều nghiên cứu còn cho thấy nếu rã đông sữa mẹ quá nhanh có thể ảnh hưởng tới kháng thể có trong sữa.
Sữa mẹ sau khi đã rã đông thì không nên cấp đông lại, và nên cho bé dùng trong vòng 24h sau khi đã rã đông.
Sữa mẹ sau khi rã đông có khác với sữa mẹ vừa mới vắt ra không?
Màu, mùi, cũng như chất lượng sữa phụ thuộc vào khẩu phần ăn của người mẹ. Mặc dù sữa rã đông sẽ có mùi hơi khác với sữa vừa vắt ra nhưng dinh dưỡng vẫn đảm bảo cho em bé. Trường hợp bé từ chối sữa rã đông mà vẫn bú mẹ trực tiếp, mẹ nên giảm thời gian trữ sữa và cho bé bú sữa mẹ dự trữ sớm nhất có thể để bé quen dần với sữa đông lạnh mẹ nhé.
>> Bài tiếp theo